Ngành điện gia dụng, tăng trưởng cao, những vẫn chưa được khai thác hết!

ngành điện gia dụng
Điện gia dụng, ngành hàng đang được nhiều nhà sản xuất trong nước quan tâm và khai phá sau một thời gian thống trị của các đối tác ngoại.
Điện gia dụng – Ngành hàng tăng trưởng hấp dẫn
Ngành điện gia dụng bao gồm đồ gia dụng như nồi niêu xoong chảo; đồ điện gia dụng như ấm siêu tốc, bàn là, nồi cơm điện, nồi áp suất, nồi chiên không dầu, cây nước nóng lạnh…; và thiết bị nhà bếp như bếp từ, máy hút mùi, máy rửa bát… Quy mô thị trường trong nước hiện khoảng 13 tỷ USD, tương đương 300 ngàn tỷ đồng. Ngành hàng này hiện đứng thứ 4 về quy mô tiêu dùng trong 11 nhóm ngành hàng chính, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng hơn 10%/năm, gấp đôi tăng trưởng GDP (khoảng 4.8%/năm).
Cơ cấu dân số trẻ với thu nhập ngày cao đang tạo ra động lực tăng trưởng kép cho ngành hàng. Cụ thể, đối tượng 18 – 45 tuổi là nhóm khách hàng mục tiêu lớn nhất, chiếm 60% tổng sản lượng tiêu thụ của hàng điện gia dụng. Ở Việt Nam, nhóm khách hàng mục tiêu này chiếm khoảng 50% dân số, là tỉ lệ mơ ước của bất kì nhà sản xuất điện gia dụng nào. Với cơ cấu dân số như vậy, số lượng tiêu thụ của ngành điện gia dụng được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong nhiều năm tiếp theo. Đồng thời, thu nhập người dân hiện đang tăng lên, dẫn đến thay đổi nhu cầu về chất lượng, mẫu mã nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với xu hướng giá bán của ngành sẽ ngày càng tăng, làm cho giá trị ngành hàng đã tăng nhờ sản lượng tăng, sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ giá bán tăng.

Mảnh đất vàng cho các sản phẩm chất lượng tốt

Hiện nay, các thương hiệu hàng gia dụng trong nước đang chiếm 80% thị phần hàng gia dụng, 20% thuộc về các thương hiệu ngoại. Các thương hiệu này, cả nội lẫn ngoại, đều đang duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao. Tuy nhiên, trong 80% thị phần các doanh nghiệp tại Việt Nam, chủ yếu là hàng có xuất xứ Trung Quốc thông qua “bắt tay” với doanh nghiệp nội như Sunhouse, Kangaroo… Các sản phẩm này có chất lượng trung bình, ở tầm giá trung bình thấp.
Tuy nhiên, thị hiếu người tiêu dùng, ở cả nông thôn và thành thị, đã dần thay đổi. Với thu nhập tăng lên, cùng sự quan tâm ngày càng lớn cho sức khỏe và trải nghiệm sống, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm có chất lượng cao hơn. Các thiết bị điện gia dụng đa năng đang thể hiện vai trò lớn hơn trong căn bếp mỗi gia đình Việt. Theo Hiệp hội các nhà Bán lẻ Việt Nam (AVR) tốc độ tăng trưởng của phân khúc cao cấp trong thị trường bán lẻ đang tăng nhanh gấp đôi so với các phân khúc khác. Đặc biệt trong thời gian diễn biến dịch Covid-19, nhu cầu người tiêu dùng quan tâm đến các thiết bị gia dụng nhà cửa cao cấp ngày một gia tăng. Thị trường khát những tân binh có sức nặng, hiểu sâu về thói quen tiêu dùng của người Việt, có các sản phẩm chất lượng tốt, tuổi thọ và độ bền cao.

Nhiều tay chơi mới xuất hiện với sự đầu tư bài bản, hứa hẹn sẽ tái định hình thị trường

Nắm bắt tiềm năng cũng như nhu cầu thị trường, các thương hiệu cao cấp nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư phát triển cho thị trường Việt Nam. Ví dụ như như Elmich, tập đoàn gia dụng đến từ Cộng hòa Séc, với định vị là thương hiệu cao cấp đến từ châu Âu, thiết kế hiện đại, tinh tế, và sang trọng, đã đạt được thành công vượt trội. Doanh nghiệp này công bố mức tăng trưởng doanh thu hàng năm đạt 25 – 30%, cao gấp 3 so với mức tăng trưởng trung bình của ngành (10%).
Ngoài ra, thị trường đồ gia dụng còn tiếp tục nóng lên khi liên tục xuất hiện các thương hiệu lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức… theo hình thức nhập khẩu, phân phối và bán lẻ, hoặc thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Có thể kể đến đại gia” đồ gia dụng Electrolux của Thụy Điển đã ngỏ ý quan tâm đến Sunhouse, một DN nội có 6 nhà máy, với tổng diện tích hơn 40ha cùng hệ thống phân phối đi kèm. Ngoài Electrolux, Tập đoàn Haier (Trung Quốc), Tập đoàn Muji và Zojirushi (Nhật) cũng cho thấy sự quan tâm lớn đến thị trường Việt Nam.
Về phía các công ty nội địa, không kém phần nhạy bén, một số công ty đã đầu tư nghiêm túc và thu về những kết quả tích cực. So với các công ty ngoại, các công ty nội địa có lợi thế về sự am hiểu thị trường, hệ thống sản xuất, cũng như nền tảng phân phối sẵn có. Nếu biết nắm bắt các lợi thế trên, cộng với sự đầu tư nghiêm túc để cho ra sản phẩm chất lượng tốt, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh với các ông lớn ngoại trên sân nhà. Điểm qua các công ty trên sàn, có thể kể đến Hòa Phát (HPG), mới đây đã thoái vốn khỏi mạng nội thất và tăng tốc đầu tư hơn 1,000 tỷ đồng vào ngành điện gia dụng, cho thấy sức hút của thị trường này. Ngoài ra còn có Nagakawa (NAG), công ty vốn hoạt động chủ lực trong lĩnh vực điện lạnh với các sản phẩm máy điều hòa không khí, tủ đông, máy làm mát, đã mở rộng sang lĩnh vực điện gia dụng và đạt được mức tăng trưởng ấn tượng.
Ánh Dương
Theo Nhịp sống kinh tế